QUY ĐỊNH
Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ việc riêng
của cán bộ, viên chức Bệnh viện đa khoa huyện Trực Ninh
(Ban hành kèm theo Quyết định số 315/QĐ-BVTN ngày 20 tháng 12 năm 2016)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng là toàn thể cán bộ, viên chức trong biên chế và hợp đồng đóng BHXH đang công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Trực Ninh.
Chương II
NỘI DUNG CỤ THỂ
Điều 2. Quy định về thời giờ làm việc
2.1 Đối với cán bộ, viên chức là bác sỹ, dược sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý: Thực hiện thời giờ làm việc chế độ hành chính, chế độ thường trực theo quy định của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Bệnh viện.
2.2 Đối với cán bộ, viên chức hành chính: Thực hiện tuần làm việc 5 ngày, mỗi ngày làm việc 8 giờ theo quy định của Nhà nước.
Điều 3. Quy định về thời giờ nghỉ ngơi
3.1 Chế độ nghỉ bù sau phiên trực:
Cán bộ, viên chức làm nhiệm vụ thường trực chuyên môn y tế 24/24 giờ vào ngày thường hay ngày nghỉ hàng tuần được nghỉ bù 01 ngày ngay sau ngày làm việc tiếp theo;
– Cán bộ, viên chức làm nhiệm vụ thường trực chuyên môn y tế 24/24 giờ vào ngày Lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày ngay sau những ngày làm việc tiếp theo;
* Không để dồn các ngày nghỉ bù để nghỉ bù một lần với thời gian trên 03 ngày làm việc.
3.2 Thời giờ nghỉ ngơi hàng năm (nghỉ phép)
– Cán bộ, viên chức có thời gian làm việc đủ 12 tháng (kể cả thời gian được coi là thời gian làm việc quy định tại khoản 1 điều 9 Nghị định số 195-CP) thì được nghỉ hàng năm (còn gọi là nghỉ phép theo điều 74, điều 75 của Bộ luật Lao động) hưởng nguyên lương theo quy định sau đây:
- a) 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- b) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ;
- c) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
. Thời gian để tính nghỉ hàng năm là theo năm Dương lịch. Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc, cứ 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày (quy định chi tiết tại điểm 3 mục II Thông tư số 07-LĐTBXH/TT ngày 11/4/1995).
– Nếu chưa đủ 12 tháng, thì ngày nghỉ hàng năm được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm.
– Trong một năm làm việc, viên chức có tổng thời gian nghỉ (cộng dồn) do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quá 6 tháng (144 ngày làm việc); hoặc nghỉ do ốm đau quá 3 tháng (72 ngày làm việc), thì thời gian đó không được tính để hưởng chế độ nghỉ hàng năm của năm ấy.
– Cán bộ, viên chức có thể nghỉ hàng năm thành nhiều lần nhưng không quá 3 lần trong năm, nếu được Giám đốc đồng ý.
– Trường hợp không nghỉ hết số ngày nghỉ trong năm nếu được phép của Giám đốc có thể được nghỉ bù vào quý I của năm kế tiếp.
* Đầu năm cán bộ, viên chức đăng ký thời gian nghỉ phép để phòng, khoa tập hợp xắp xếp lịch nghỉ cho cán bộ, viên chức và gửi danh sách về Phòng HCQT&TCCB trước ngày 05 tháng 01 hàng năm.
Điều 4. Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ ốm, nghỉ thai sản, nghỉ không hưởng lương
4.1 Nghỉ việc riêng:
Viên chức được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau:
– Kết hôn, nghỉ 3 ngày
– Con kết hôn, nghỉ 1 ngày
– Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, nghỉ 3 ngày.
– Các ngày Lễ, Tết theo quy định của Nhà nước.
– Nữ viên chức hành chính trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.
4.2 Nghỉ ốm, nghỉ thai sản, nghỉ không hưởng lương
– Trường hợp nghỉ ốm, nghỉ thai sản thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (Bệnh viện không trả lương, cá nhân xin nghỉ sẽ hưởng các chế độ theo quy định của BHXH.
– Việc nghỉ không hưởng lương do Giám đốc xem xét quyết định.
Điều 5. Giải quyết nghỉ và thủ tục xin nghỉ
5.1 Giải quyết nghỉ: Nghỉ phải chấm công theo quy định và trừ vào ngày nghỉ phép năm
– Giám đốc nghỉ theo quy định của cơ quan quản lý cấp trên.
– Các Phó giám đốc; Trưởng các phòng, khoa khi xin nghỉ từ 1 buổi (nửa ngày làm việc) đến dưới 2 ngày làm việc phải báo cáo và được sự đồng ý của Giám đốc. Nếu nghỉ từ 2 ngày trở lên phải làm đơn và được sự đồng ý của Giám đốc.
– Trưởng khoa, phòng được phép giải quyết cho viên chức thuộc đơn vị mình nghỉ từ 1 buổi (nửa ngày làm việc) đến 01 ngày làm việc. Nếu nghỉ từ 2 ngày trở lên phải làm
đơn và được sự đồng ý của Giám đốc.
5.2 Thủ tục xin nghỉ:
Cá nhân có nguyện vọng xin nghỉ từ 2 ngày trở lên phải có đơn (theo mẫu đính kèm), có ý kiến nhất trí của Trưởng phòng, khoa và được sự đồng ý của Giám đốc sau đó chuyển đơn đến phòng HCQT&TCCB để kiểm tra, theo dõi.
Trường hợp đột xuất: Đối với cán bộ quản lý phải điện thoại báo cáo Giám đốc và thông báo cho phòng, khoa biết. Đối với viên chức phải điện thoại xin phép lãnh đạo khoa, phòng (sau đó phải làm thủ tục xin nghỉ theo quy định).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6:
- Trưởng các phòng, khoa chịu trách nhiệm trước Giám đốc về chế độ làm việc, thời gian nghỉ của cán bộ, viên chức thuộc đơn vị mình quản lý. Các đơn vị gửi bảng chấm công về Phòng HCQT&TCCB từ ngày 01 đến ngày 05 hàng tháng để theo dõi.
- Phòng HCQT&TCCB có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện chế độ làm việc, ngày nghỉ của viên chức trong toàn Bệnh viện nhằm quản lý tốt nhân lực lao động và thực hiện các chế độ theo quy định./.
Giám Đốc
( Đã Ký )
Vũ Đình Năng